Jen Vuhuong

View Original

Super Sunday Notes: The Casual activity – badminton and lessons learned for life

#SuperSundayNotes #Mở rộng vùng sáng trong vùng tối 'điểm mù' nhận thức, qua mỗi trải nghiệm

Nhiều lúc chúng ta trải nghiệm một việc nào đó – ví dụ chơi một môn thể thao nào đó, tham gia một chương trình nào đó để học điều gì đó mà chúng ta chưa học được từ những việc thường ngày chúng ta làm.

Jen từng nghe câu chuyện của một người thầy, thường làm việc đêm đến 4 hay 5 giờ sáng, và một lần người thầy được thách thức đi chơi môn thể thao nơi các nhóm doanh nhân thịnh vượng hay chơi, vào 5 giờ sáng. Thầy đã đi trải nghiệm môn thể thao đó, chơi tốt nó, và cuối cùng điều thầy đạt được đó là một cách tiếp cận cuộc sống theo lịch biểu dậy từ sáng sớm thay vì thức đến sáng sớm và thầy đã cảm nhận được lợi ích và sự phù hợp của nó với công việc và cuộc sống.

Jen hôm nay chiêm nghiệm về việc mình bước vào chơi môn thể thao badminton – cầu lông, với tâm thế để trải nghiệm, tăng sự linh động và phối hợp với người khác. Hành trình chơi môn này một cách nghiệp dư khiến mình học được nhiều điều về bản thân cho công việc được gọi là ‘chuyên môn’ của mình.

Mời bạn cùng Jen chọn 1 trải nghiệm nào đó – mang tính ‘hoạt động ngoài lề’ cuộc sống và chiêm nghiệm những điều bạn học được về bản thân bạn.

· SỰ ƯU TIÊN (PRIORITIZATION) sẽ tạo ra thời gian:

Có thể bạn từng muốn chơi một môn thể thao, có một thói quen mới nào đó và thói quen đó chưa xảy ra, bạn có thể xem lại lí do để làm việc đó đủ lớn chưa. Mình đưa ra lí do chơi cầu lông đó là để tăng sự linh động và phối hợp trong giai đoạn mình cần làm việc với đội ngũ nhiều hơn, vì trước đó mình là kĩ sư/nghiên cứu và có xu hướng làm việc chủ động một mình.

· CÁI TÔI (EGO): Quan sát được phản ứng của ‘cái tôi’ khi trải nghiệm thứ mình chưa biết, chưa tốt lúc ban đầu, và sau đó là với người có bối cảnh tương tự như mình khi mới bắt đầu:

Mình chơi cầu lông – môn mình chưa biết và đánh ‘dở’, với những người rất ‘thạo’ môn này và chưa ‘thạo’ trong một kĩ năng khác – là chuyên môn chính của bản thân mình, ví dụ ‘thuyết trình, đào tạo huấn luyện’ và họ tham gia học hỏi ở chương trình của mình. Lúc đó, mình được trải nghiệm cảm giác ai cũng có những phần tuyệt nhất, những thế mạnh riêng. Chúng ta luôn là ‘người học’ một điều gì đó trong cuộc sống và ai cũng là ‘người thầy’ của chúng ta ở một góc độ nào đó.

Mình quan sát được sự phán xét cách đánh của người đồng đội là quả đánh đó ‘dở, hay chưa hiệu quả’ trong những suy nghĩ thoáng qua của bản thân, và mình nhận ra hạt mầm - mình cũng đang tự phán xét bản thân.

Sau vài năm đánh cầu lông thường xuyên, mình đánh tốt hơn, và mình quan sát được một vài suy nghĩ phán xét thoáng qua từ trong đầu mình mỗi khi nhìn những người mới đánh, như lúc mình mới đánh. Mình gọi tên được cái tôi của mình, hạt mầm ‘chưa đủ tốt’ bên trong chính mình. Mình trân trọng rằng ai cũng có hành trình của riêng mình và tốc độ của riêng mình.

· SỨC MẠNH TÂM TRÍ VÀ TINH THẦN CÙNG THẮNG (THE MIND AND ABUNDANT MINDSET):

Lần thi đấu đầu tiên, mình tham gia thi đấu và mình thắng, lúc đó những gì diễn ra trong tâm trí mình là cố gắng hết mình cùng với đồng đội – và mình cũng mong đối phương hết mình.

Cùng một bối cảnh thi đấu đó, năm sau đó, mình phân tâm hơn và ‘lững lờ’ không quá quyết tâm. Mình nhận biết được việc cần có sự hài hòa giữa phần quyết tâm và phần không bám víu vào kết quả, thay vì lững lờ - khiến người đồng đội không cảm thấy có sự hạ quyết tâm hết mình từ đồng đội của mình. Nếu đã nhận thi đấu là hết mình, không bám víu kết quả, tử tế và chúc cho đối phương cũng hết mình, cùng tạo trải nghiệm hết mình cho cả hai bên.

· SỰ TỪ ÁI (COMPASSION):

Mình được gặp một người đồng đội, với nhiều sự tức giận mỗi khi mình đánh ‘dở’ hay ai đó đánh ‘dở’. Mình quan sát và cầu chúc cho người đồng đội ấy sẽ không bị cảm xúc đó nhấn chìm, biết ơn cơ hội được thực hành sự từ ái với người đồng đội và bản thân, tha thứ cho những gì đã xảy ra và đi lên.

· SỰ CAM KẾT, SỰ THẤU ĐÁO và TRÂN TRỌNG với tập thể (COMMITMENT, APPRECIATION AND MINDFULNESS):

Mình đã vô minh và tự dùng góc nhìn của mình để cảm thấy ok về một số tình huống mình ứng xử trong cuộc sống.

Tình huống đầu tiên: mình từng bị hỏng vợt và bị đánh mạnh vào đầu khi đánh vợt với một người khác – mình đã đi đến viện khám xem có chấn thương đầu, mình cảm thấy ok và không trách bạn đó, dù bạn đó không có động thái hỏi thăm hay xem mình có cần giúp gì không. Và với sự vô tư vô minh đó, mình có một lần đánh vợt với một người khác, và vì cách đánh của mình không chuyên, ảnh hưởng đến bạn, bạn đã gãy cây vợt của bạn. Mình có hỏi thăm bạn, và xin lỗi, và thấy mình cần làm gì đó, nhưng khi bạn không nói gì, mình thấy ‘ngại ngại’ để đề xuất làm gì đó. Mình đã không làm gì đó sau đó. Và bạn đã nhắn tin thất vọng về việc mình không có động thái xin lỗi hay cùng giúp bạn để đền bù cho cái vợt đó. Mình nhận thấy mình đã vô minh, không để ý và hành động dựa trên điều cần làm, thay vì đó tự để cho sự ngại và sự có lỗi để bản thân im lặng.

Tình huống vô minh thứ 2: mình cho phép mình kỉ luật tại những gì mình làm chuyên môn, với một môn thể thao bên lề, mình được dễ dãi. Vào năm thứ 3, một hôm, mình được mời dừng hoạt động tại một câu lạc bộ vì mình hay đến muộn. Mọi người kết thúc công việc, ra sân đánh, mình ra muộn hơn, và mình có hôm không báo đúng giờ, có hôm còn tự bản thân cho phép không báo. Mình có biện minh với chính bản thân ‘mọi thứ khác mình cam kết, kỉ luật, hãy cho một thứ này ‘thoải mái’ hơn. Và sự vô minh đó, mình cảm nhận mình đã chưa trân trọng những người ‘đồng đội’ tại sân cầu đó, mình không thể tự cho mình quyền là được ‘thoải mái’ ở sân chơi này, để bù vào sự ‘kỉ luật’ ở chỗ khác. Lúc được mời dừng ở club, mình cảm nhận đó là một sự thức tỉnh về việc mình đang ‘dễ dãi’ với bản thân, chưa ‘trân trọng’ đủ những người mà cũng là con người trong cuộc sống này – thông qua hành vi mà đối với họ đó là sự tôn trọng họ.

Trải nghiệm đó cho mình quyết định là mình không tự mình cho phép mình – thoải mái ở chỗ không phải là ‘công việc chuyên môn’ của mình, nếu mình đã ở trong tập thể đó với người khác.

· LÒNG TỐT, SỰ CHO ĐI (KINDNESS)

Trong quá trình chơi cầu, vào những ngày đầu, mình đến một sân chơi, có nhiều người lớn tuổi - tầm tuổi của bố mẹ mình chơi.

Mình nhớ những ngày mình mới đến, có một người chú, không thuộc câu lạc bộ của mình, mà là của nhóm bên cạnh, đến và nói ‘cháu, ra đây cùng tập để đánh hiệu quả hơn…’, Mặt chú rất nghiêm nghị, chú đánh tốt và chú không cần hỏi hay nói chú là ai. Chú dùng hành động và giúp mình tập luyện – cứ như vậy trong khoảng 3 tháng mình đến club đó, chú cứ lặng lẽ gọi mình ra tập và cũng không hướng đến nói chuyện gì khác ngoài tập cho mình.

Cảm ơn chú, cảm ơn những người bạn trên hành trình trải nghiệm một môn thể thao ngoài lề, để được học những bài học/tốt nghiệp các bài học cần tốt nghiệp trong cuộc sống này…