Jen Vuhuong

View Original

Shift from 'victim' to 'victor'

#supersundaynotes CHUYỂN TỪ

‘BỊ’ sang ‘ĐƯỢC cơ hội chia sẻ và trao giá trị’

# CHIA SẺ TỰ TIN KHI 'ĐƯỢC GỌI BẤT NGỜ'

(cùng Việt, Hường và Jen hội thoại trong việc xác định cách để tự tin chia sẻ khi được gọi bất ngờ) #

Việt: Chị Jen ơi, phải làm sao để có thể tự tin chia sẻ khi được gọi một cách bất ngờ ?

Jen: Đây là tình huống mà Hường trải qua hôm nay tại câu lạc bộ nói trước đám đông– Hường được gọi lên sân khấu và chia sẻ về một chủ đề chưa biết trước. Hường có thể chia sẻ về cảm giác và cách mà Hường làm hôm nay?

Hường: Em nghĩ rằng khi mình đã có trải nghiệm đó hôm nay, lúc đó khi đứng trước một nhóm người lạ để trả lời một câu hỏi chưa biết trước; em chưa biết phải nói gì và nói như thế nào; lúc đó cách em đã làm là em nói về việc lần đầu được cơ hội chia sẻ trước câu lạc bộ và có cảm giác hồi hộp; sau đó em kể về một việc quen thuộc với mình – con mèo nhà em. Em nhận thấy trong bối cảnh được gọi lên chia sẻ/phát biểu một cách đột ngột, mình có thể chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ ngay lúc đó của chính mình để khán giả cùng thấu hiểu cảm xúc với mình, sau đó nói về một điều quen thuộc với mình.

Jen: Việt cảm thấy như thế nào khi nghe cách của Hường – trong bối cảnh là không gian câu lạc bộ nói trước đám đông? Em thấy có điểm nào chạm đến câu chuyện của mình?

Việt: Cái em cảm nhận được là việc mở lòng chia sẻ cảm xúc suy nghĩ của mình. Có thể bối cảnh của em khác hơn một chút – là có tính chuyên môn công việc.

Jen: Môi trường Hường đến hôm nay là môi trường mà tất cả những người đến tham gia đều là những người có chủ đích đến luyện nói. Việt có thể chia sẻ tình huống Việt đề cập đến trong câu hỏi của mình?

Việt: Đó là tình huống trong một cuộc họp, một hội thảo. Và khi mình được chỉ định phát biểu thì lúc đó mình bị bối rối, bất ngờ, lúng túng. Vì vậy em không biết phải làm như thế nào để bắt đầu nói một cách tự nhiên, để tận dụng thời gian suy nghĩ và trả lời tốt, thay vì bối rối và lúng túng.

Jen: Tức là việt nghe nghe một người nào đó khác rồi, và được gọi lên để phát biểu cảm nghĩ của mình hay để nói về một cái hoàn toàn mới?

Việt: Đó là một chương trình có chủ đề rồi, và mình thường sẽ được gọi lên để phát biểu hay nêu suy nghĩ về chủ đề đó.

Jen: Trong cuộc họp đó có bao nhiêu người, và những người đó cùng cấp với nhau hay như thế nào?

Việt: Có khoảng 20-30 người. Và trong đó sẽ có những nhóm người lãnh đạo cấp cao và những người trẻ tuổi. Vì có lãnh đạo cấp cao nên cũng hơi áp lực một chút.

Jen: Vậy em thuộc nhóm nào?

Việt: Dạ, nhóm trẻ tuổi.

Jen: Tức là mình thuộc nhóm trẻ tuổi, có tài và một ngày nào đó cũng sẽ trở thành lãnh đạo. Vậy đâu là điều cản trở mình nói? Về vai vế, chức vụ hay là cái khó của câu hỏi?

Việt: Em nghĩ là có 2 ý. Một là cái vai vế, bởi mình nói trước lãnh đạo mà không được hay thì có thể mọi người sẽ đánh giá. Hai là mình chưa có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm thì phát biểu của mình không đủ sâu sắc, ý nghĩa nên có thể cũng sẽ bị đánh giá.

Jen: Đây là những điều Việt tự nói hay ai đó nói với Việt?

Việt: Chủ yếu do em tự nói với mình. Do khi mình quan sát người khác và họ đã có sự chuẩn bị mà mình thì chưa có, mình sẽ bị sợ, bị mất tự tin vì mình chưa kịp nghĩ đến gì đó sâu sắc.

Jen: Vậy là mình sợ những cái mình nói không hiệu quả, có thể khiến cho công việc của mình trở nên không tốt. Vậy có từng có ai nói với em là bài nói của em không hiệu quả không?

Việt: Chắc là không ạ. Có thể là cái tiêu chuẩn về việc phát biểu của xã hội và của cơ quan em khiến em nghĩ là mình cần nói tốt hơn.

Jen: Em có thấy điều đó là quan trọng tại thời điểm nói không? Việc nghĩ đến tiêu chuẩn hay việc tập trung vào việc phát biểu hiệu quả?

Việt: Thực ra xét cho kĩ thì em cũng chỉ muốn phát biểu được hết ý của mình là mình đã thỏa mãn rồi chứ không cần được đánh giá cao. Nhưng trong tình huống đó, vì mình bối rối, nên mình không nói hết phát huy được hết những năng lực, suy nghĩ, tri thức của mình qua các bài phát biểu, nên mình chưa được hài lòng.

Jen: Vậy vấn đề ở đây là mình dành năng lượng cho việc mình lo lắng, nên khi phát biểu xong rồi thì mình vẫn thấy mình không được toàn tâm, toàn trí. Vậy nếu mình có thể dành trọn vẹn tâm trí vào việc phát biểu thì mình sẽ thấy tốt và hiệu quả hơn?

Việt: Đúng vậy, nếu mình toàn tâm toàn ý thì mình sẽ tận dụng được trí não của mình hơn…

Jen: Vậy đây là Việt muốn trong tình huống Việt được gọi bất ngờ, Việt có thể vững tâm và chia sẻ được những câu chuyện, những giá trị của mình. Đã có lần nào Việt trong tình huống được gọi bất ngờ và Việt làm tốt việc chia sẻ?

Việt: Có, tuần trước trong một hội thảo, em chưa chuẩn bị nhưng đã bị gọi lên phát biểu. Khi đó, em đã rất là run vì chưa chuẩn bị gì cả. Ban đầu em nói cảm ơn, đồng cảm với những phát biểu trước đó. Và khi mình đã bắt đầu nói được một vài điều, thì tự nhiên nó ra những dòng suy nghĩ cho mình, và nói ra được thêm những điều tiếp theo. Và buổi hôm đó, em đã nói được nhiều thứ mà em muốn, và thỏa mãn với những phát biểu của mình, cho dù bắt đầu rất là run.

Jen: Vậy em lúc đó đã làm gì để có thể hết run?

Việt: Em bắt đầu bằng lời cảm ơn, biết ơn. Và đầu đó nó nảy ra những dòng suy nghĩ khác, từ đó em chia sẻ tốt hơn. Chị chia sẻ thêm các góc độ về tình huống này từ trải nghiệm của chị….

Jen: Chúng ta sẽ cùng phân tích tình huống này với nhau trên trải nghiệm và quan sát của chị trên hành trình thực hành nói trước đám đông.

Khi mình suy nghĩ rằng có thể có ai đó sẽ nghĩ mình nói không tốt, thì có nghĩa một cách vô tình mình đang gán suy nghĩ không tốt đó – giả định đó đến những người xung quanh dù họ có ý đó hay không.

Chị hay dùng một hình ảnh ở đây để khiến mọi người nhớ, đó là: “Khi bạn tập trung vào nỗi sợ bị phán xét khi nói trước đám đông có nghĩa là bạn đang ích kỷ”.

Trên thực tế những người nghe kcó thể không phán xét bạn, họ chỉ đang đợi bạn nói. Nhưng khi chúng ta sợ, chúng ta sẽ vẽ lên những câu chuyện đó để giải thích cho nỗi sợ của mình.

Suy nghĩ này dựa trên tư duy ‘nạn nhân’ ấy. Khi được gọi chia sẻ/phát biểu – đó là cơ hội của chúng ta để chia sẻ giá trị với mọi người. Chúng ta nếu chỉ tập trung vào nỗi sợ của chúng ta, chúng ta ‘ích kỉ’ vì quên đó là cơ hội cho đi.

Thay vì sợ, chúng ta có thể cảm ơn cái cơ hội đó, cảm ơn những người chia sẻ câu chuyện trước đó.

Chúng ta có thể chuẩn bị tâm thế để coi mỗi ngày, mỗi lúc, mỗi nơi là một cơ hội để mình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo giá trị cho người khác thì chúng ta có thể kết nối bất cứ với ai, vào bất cứ lúc nào.

Khi một điều gì bất ngờ đến và mình chưa biết kết quả sẽ như thế nào, chúng ta có thể sẽ lo sợ, nhưng khi một món quà bất ngờ đến thì chúng ta lại thích thú.

Nhưng trạng thái cơ thể của chúng ta lúc nhận được điều bất ngờ đều tương đối giống nhau. Nhưng mỗi người lại phân tích ý nghĩa và gắn cho nó cảm xúc khác nhau. Người thì sẽ phân tích thành sự hào hứng, người lại phân tích thành sự lo sợ.

Vậy mỗi lần ở trong tình huống đó, Việt sẽ chọn cái cảm giác mà Việt muốn: sợ hãi hay hào hứng? Và huấn luyện bộ não của mình, tiềm thức của mình. Và tùy thuộc vào việc mình huấn luyện bộ não như thế nào? Tốc độ và cường độ như thế nào thì dần dần Việt có thể thoát ra cái phiên bản lúng túng, sợ hãi đó.

Cái này mỗi người có một thời hạn khác nhau, có người 1 tuần, có người 1 tháng, 1 năm. Và còn tùy thuộc vào việc em có ở thường xuyên ở trong tình huống đó hay không? Nếu không có thì hãy tự tạo ra tình huống đó.

Chúng ta có thể thực hành biến nỗi sợ thành hào hứng: Đầu tiên là chuyển hóa cái ý nghĩa gắn với nó. Thứ hai là rèn luyện, thực hành nó mỗi khi có cơ hội. Thứ ba, nếu theo đuổi ngành này như một cái ngành, nghề thì chúng ta sẽ có những kĩ thuật, những cách thức để làm nó.

Và mục đích của một cuộc nói chuyện trên cả việc chia sẻ về mìnhmà còn là mang đến thông điệp, giá trị cho người khác.

Và nếu sau buổi nói chuyện đó, người khác có thể đem được điều gì đó ra về, lúc đó chúng ta sẽ thấy rằng trải nghiệm chia sẻ, giao tiếp với mọi người là một trải nghiệm ý nghĩa.

Việt và Hường có thể tổng kết các điểm chính hôm nay và bước tiếp em làm để biến việc ‘bị gọi bất ngờ’ thành ‘được cơ hội chia sẻ và cho giá trị….’

Việt: Hôm nay em rút ra được cho mình 2 bài học. Thứ nhất là tâm thế khi mình rơi vào những tình huống nói bất ngờ: là nguy cơ hay là món quà. Và thứ hai, em nghĩ rằng mình cần phải có thêm nhiều trải nghiệm, nhiều kiến thức thì mới có thể nói được tốt hơn và chia sẻ được những giá trị tốt hơn cho người khác.

Hường: Em cảm thấy là hôm nay em đã có thêm góc nhìn về những mức của việc nói và giao tiếp. Hôm nay em quan sát anh Việt trong một hành trình giao tiếp, đồng thời em cũng quan sát lại chính mình. Đồng thời, em cũng rất vui vì nhận được những món quà bất ngờ như vậy trong cuộc sống.

Bạn cùng Việt, Hường và Jen chuyển sự tập trung sang việc nhìn thấy cơ hội trong tình huống bất ngờ?